Bạn đang ở đây

Học vấn & cống hiến

Thầy Nguyễn Trọng Mật

Tiểu sử

     Thầy Nguyễn Trọng Mật sinh năm 1913 trong một gia đình quan lại triều Nguyễn. Thầy được sinh ra tại Huế vì thời gian đó thân phụ của thầy (người Vân Hồ - Hà Nội) đảm nhiệm chức vụ ở triều đình.
     Nhờ nhân duyên, thầy Nguyễn Trọng Mật đã được một vị võ sư thượng thừa có tên là Sơn Nhân dạy võ liên tục hơn 10 năm tại nhà riêng ở kinh đô Huế. Thầy Nguyễn Trọng Mật đã luyện tập bền bỉ, chú tâm lĩnh hội hệ thống võ thuật do thầy truyền thụ. Bằng tinh thần hiếu học, kiên trì, nhẫn nại, thầy Nguyễn Trọng Mật đã luyện tập thành công những công phu tuyệt học của Sơn Nhân.
     Lịch sử biến đổi năm 1932 cụ thân sinh thầy Nguyễn Trọng Mật từ quan đưa gia đình trở về quê hương tại làng Vân Hồ, Hà Nội.
Quá trình trưởng thành và hoạt động
     Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, thầy Nguyễn Trọng Mật được mời huấn luyện tự vệ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc
     Năm 1948 – 1950, thầy Nguyễn Trọng Mật đã tham gia cách mạng đảm nhân việc huấn luyện võ thuật cho lực lượng tự vệ và du kích tỉnh Thái Bình. Nhờ lòng nhiệt tình với hệ thống kỹ thuật chiến đấu cô đọng, dù chỉ tập luyện gấp rút trong thời gian ngắn nhưng những bài huấn luyện của thầy vô cùng hiệu quả. Đi đến đâu, ông cũng được các vị lãnh đạo, dân quân, du kích và nhân dân yêu mến và tin tưởng.
     Năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, đích thân ông Trần Duy Hưng –  bí thư thành ủy đầu tiên của Hà Nội – đã giới thiệu thầy Nguyễn Trọng Mật về sở Văn hóa Hà Nội để mở lớp dạy võ thực hành phổ thông tại số 2 Vân Hồ, Lê Đại Hành, Hà Nội. Cái tên lớp dạy võ thuật nghe thật giản dị nhưng phải đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mới có thể hiểu được giá trị và vai trò đặc biệt của thầy Nguyễn Trọng Mật khi được một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và thành phố giới thiệu dạy võ thuật trong khi việc tuyển sinh và dạy võ ở nhiều lò võ ở miền Bắc bị hạn chế. Kể từ đó, võ đường mang tên “Võ Thuật Thể Dục Hội – Võ thuật thực hành phổ thông” đã góp phần giáo dục thể chất và rèn luyện tinh thần cho nhiều thế hệ người Hà Nội. Trong 10 năm, thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và thống nhất đất nước. Năm 1960, thầy lại được mời về làm việc tại sở nhà đất Hà Nội, trở thành một trong những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Sở. Với 20 năm công tác, thầy đã công hiến không chỉ trong công tác chuyên môn mà còn tham gia huấn luyện cho lực lượng tự vệ của sở nhà đất Hà Nội.
     Đến năm 1984, thầy Nguyễn Trọng Mật xin nghỉ công tác và về mở võ đường tại nhà riêng số 81, phố Đông Các, Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Sau nhiều năm vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, thầy Nguyễn Trọng Mật đã sáng lập ra “Võ học Ngũ Châu” với những nét tinh hoa đặc sắc riêng biệt. Trong  đó, Thái Cực Trường Quyền được thầy xây dựng thành một hệ thống vô cùng chuẩn mực.
Trải nghiệm, kết giao
     Gặp phải thời buổi loạn lạc, trong nhiều năm thầy Nguyễn Trọng Mật đã phiêu bạt khắp Bắc – Trung – Nam. Thầy nổi danh trong giới võ lâm dưới tên hiệu “Trọng Hùng” - võ thuật thượng thừa cùng nghĩa khí cao thượng. Thầy Nguyễn Trọng Mật đã kết giao với nhiều võ sư nổi tiếng thuộc nhiều môn phái nhằm trao đổi võ học, nâng cao hiểu biết và hoàn thiện bản thân ví dụ: cụ Sang ở Vân Hồ - Hà Nội; cụ Hiến quê Đoan Hùng – Phú Thọ; cụ Hùng, cụ Minh Hồng quê Vũ Điện – Hà Nam, cụ Bẩy Thắng ở Yên Thế Bắc Giang, cụ Nguyễn Lộc – Vovinam ở Hà Tây; cụ Điều (Đỏ) – Thiếu Lâm Sơn Đông ở Hàng Bột; cụ Thư – Vịnh Xuân ở Hàng cót…

Nghiên cứu y võ
     Ngoài việc nghiên cứu võ thuật, thầy đã hệ thống lại và hình thành y võ dựa trên nền tảng các bài thuốc chữa chấn thương, các bài tập phục hồi chức năng gân - cơ – xương, các bài tập phục hồi chức năng tạng phủ trong cơ thể, các bài thuốc nam đơn giản và hiệu quả để trị thương trong luyện võ và phục vụ đời sống hàng ngày. Đặc biệt, thầy là người luyện tập thành công những bài tập Yoga ở cấp độ cao nhất, đạt thành tựu ở những động tác mà ngay cả những Yoghi hàng đầu cũng phải tôn trọng, ví dụ: (động tác hoàng đế - Trồng cây chuối bằng đầu, động tác hoàng hậu – Trồng cây chuối bằng vai). Nhờ luyện tập khí công mà ở tuổi 90, thầy vẫn giữ được linh giác, thân pháp linh diệu ở mức độ ngay cả những cao thủ võ thuật trẻ tuổi cũng phải kính phục. Đạt tới đỉnh cao của hệ thống nội công và khí Ngũ Châu, ở tuổi 100, thầy vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.
Học vấn uyên thâm
     Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu chúng ta chỉ nói đến công phu tập luyện, sự nghiệp dạy võ và thành tựu trong nghiên cứu võ học của thầy Nguyễn Trọng Mật. Con người và nhân cách thầy Nguyễn Trọng Mật còn được hình thành trên một nền tảng học vấn ít ai bì kịp. Từ nhỏ, ngoài việc học võ thì thầy còn phải học đủ các giáo trình khoa cử nho giáo dành cho con cái các gia đình quan lại triều Nguyễn. Năm 1932 – khi vua Bảo Đại lên ngôi – cụ thân sinh thầy Nguyễn Trọng Mật xin từ quan và đưa cả gia đình trở về quê cũ ở làng Vân Hồ, Hà Nội. Tại đây, cụ mở trường dạy học chữ Hán và tiếng Pháp. Kể từ đó, thầy Nguyễn Trọng Mật đã được chính cha mình dạy dỗ tận tình cho tới khi cụ mất.
     Ngoài việc được học hành đến nơi đến chốn, thầy Nguyễn Trọng Mật còn là một người có ý thức tự trau dồi và mở rộng kiến thức, chưa bao giờ thầy ngừng học hỏi. Thầy quan tâm tới nghiên cứu và chiêm nghiệm các học thuyết triết học cả phương Đông lẫn phương Tây. Nhiều học trò đã từng được đào tạo bởi nền giáo dục hiện đại, được du học đó đây nhưng vẫn phải kinh ngạc không những chỉ vì bài cổ văn chữ Hán, bài thơ tiếng Pháp từ hổi đầu thế kỷ mà thầy vẫn thuộc làu làu mà còn bởi vốn tri thức khoa học mà thầy đã có từ việc tự đọc sách, tự nghiên cứu. Trên nền tảng văn hóa đa sắc, đa chiều và kiến thức uyên bác, thầy đã khai mở, đúc rút triết lý võ học Ngũ Châu và mở ra con đường rèn luyện thể chất, dinh dưỡng và phát triển tinh thần đặc sắc dành cho các thế hệ đi sau.
Năm 2013, thầy Nguyễn Trọng Mật ra đi ở tuổi 101 tuổi, thầy để lại cho hậu thế một di sản võ học chuẩn mực và uyên thâm. Thầy Nguyễn Trọng Mật - con người, nhân cách đã khai sinh và kiến tạo một nền móng căn bản vững chắc của ngôi nhà Ngũ Châu Thái Cực Trường Quyền.